Khoảng thời gian mang thai luôn là khoảng thời gian thật tuyệt vời nhưng bạn cũng sẽ khá băn khoăn lo lắng cho sự phát triển của thai nhi. Để tránh những lo lắng này, hãy cùng VINAKIDS tham khảo những thông tin bổ ích về chăm sóc thai kỳ theo tuần để tận hưởng tối đa quãng thời gian 9 tháng 10 ngày của bạn và bé nhé.
Trong loạt bài về chăm sóc thai kỳ theo tuần, VINAKIDS sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết, bổ ích và kịp thời từ những tuần thai đầu tiên cho đến những ngày cuối cùng. Hãy nhớ rằng quá trình mang thai của bạn sẽ không hoàn toàn giống y hệt những sản phụ khác, cho dù bạn có thể có những biểu hiện tương tự nhau.
Quá trình hình thành của thai nhi
Quá trình hình thành thai nhi là một chuỗi giai đoạn kỳ diệu, từ việc hình thành một tế bào phôi đến khi trở thành một sinh vật hoàn chỉnh. Dưới đây là cái nhìn tổng quan về quá trình này:
- Thông thường, thời kỳ mang thai của người phụ nữ kéo dài khoảng 40 tuần, bắt đầu tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng. 12 tuần đầu được gọi là chu kỳ mang thai 3 tháng đầu. Tuần 13 tới tuần 26 là chu kì 3 tháng giữa và từ tuần 27 đến tuần 40 là chu kỳ 3 tháng cuối.
- Thụ thai xảy ra trong khoảng 12-24 giờ sau khi trứng kết hợp với tinh trùng. Tại thời điểm này, giới tính và các đặc điểm di truyền của thai nhi đã được xác định.
- Trong thời gian mang thai, tử cung của người phụ nữ giãn ra để tạo không gian cho thai nhi phát triển, đây là dấu hiệu cho thấy quá trình phát triển thai nhi đang diễn ra mạnh mẽ.
Cùng tìm hiểu những thay đổi trong từng giai đoạn của thai kỳ qua thông tin tiếp theo nhé!
Quá trình phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn
Tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu)
Tuần 1:
Trong ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, quá trình mang thai bắt đầu hình thành, mặc dù sự thụ thai chưa xảy ra. Trong tuần này, tử cung của bạn đang chuẩn bị để sẵn sàng thụ tinh trong tương lai.
Tuần 2
Khoảng 14 – 16 ngày sau kỳ kinh nguyệt, quá trình rụng trứng sẽ diễn ra. Đây là thời điểm trứng được giải phóng từ buồng trứng và sẵn sàng để gặp tinh trùng.
Tuần 3
Vào đầu tuần thứ 3 kể từ kỳ kinh cuối cùng, tinh trùng sẽ xâm nhập vào trứng trong khoảng 12 – 24 giờ sau khi rụng trứng. Nếu thụ tinh thành công, sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng và bắt đầu làm tổ trong niêm mạc tử cung. Đây là thời điểm đánh dấu sự hình thành đầu tiên của thai nhi.
Tuần 4
Đến tuần thứ 4, tế bào trứng đã gắn vào niêm mạc tử cung và bắt đầu phân chia tế bào, làm cho kích thước của phôi thai ngày càng lớn. Trong giai đoạn này, phôi thai bắt đầu sản sinh hormone HCG, một hormone quan trọng giúp ngăn chặn sự rụng trứng và duy trì môi trường niêm mạc tử cung để hỗ trợ sự phát triển của phôi.
Tuần 5
Tuần thứ 5 đánh dấu sự hình thành chính thức của phôi thai. Vào thời điểm này, cơ thể mẹ có thể bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu của thai kỳ. Phôi thai phát triển trong ba lớp cơ bản: ngoại bì, nội bì, và trung bì.Dù phôi thai đã bắt đầu hình thành, kích thước của nó vẫn rất nhỏ, không thể cảm nhận hoặc quan sát bằng mắt thường.
Tuần 6
Vào thời điểm này, chiều dài của phôi thai khoảng 4-7mm, kích thước tương đương với một hạt đậu xanh. Hệ tuần hoàn và trái tim của phôi bắt đầu hình thành và có nhịp đập. Đồng thời, tay, chân và các cơ quan khác cũng đang bắt đầu được hình thành.
Tuần 7
Vào tuần thứ 7, phôi thai dài khoảng 10-14 mm. Các đặc điểm như ngón tay, ngón chân, mũi, miệng, và tai tiếp tục phát triển. Tim của bé đập đều đặn và có thể quan sát qua siêu âm. Mẹ có thể gặp phải triệu chứng như ốm nghén, mệt mỏi, đi tiểu nhiều, và thay đổi cảm xúc.
Tuần 8
Khi thai 8 tuần tuổi, bé bắt đầu di chuyển trong tử cung, nhưng mẹ vẫn chưa cảm nhận được. Hệ thần kinh, đặc biệt là não, phát triển nhanh chóng, làm cho đầu bé ngày càng lớn hơn và mắt bắt đầu hình thành. Kích thước của bé hiện tại khoảng 16-22 mm.
Tuần 9
Vào tuần thứ 9, với chiều dài đầu-mông khoảng 23-30 mm. Các cơ quan sinh dục bắt đầu hình thành, và cơ thể bé bắt đầu có sự phân chia rõ ràng giữa đầu và ngực.
Tuần 10
Vào tuần thứ 10, bé đã hoàn thành phần quan trọng nhất của quá trình phát triển. Da của bé vẫn trong suốt, nhưng tay và chân đã có thể gập duỗi, và các chi tiết nhỏ như móng tay cũng bắt đầu hình thành. Chiều dài từ đầu đến mông của bé khoảng 31-40 mm, phần đuôi tiêu biến.
Tuần 11
Bé đã gần như hoàn thiện về hình thái. Mặc dù mẹ vẫn chưa cảm nhận được, bé có thể đá chân, duỗi người và thậm chí nấc do cơ hoành đang phát triển. Chiều dài từ đầu đến mông của bé hiện khoảng 41-51 mm.
Tuần 12
Vào tuần thứ 12, bé bắt đầu có các phản xạ như gấp duỗi ngón tay, cong ngón chân và thực hiện động tác mút. Bé có thể cảm nhận được khi mẹ sờ vào bụng, dù mẹ vẫn chưa cảm nhận được cử động. Bé hiện đã lớn bằng quả chanh.
Tuần 13
Tuần thứ 13 đánh dấu sự kết thúc của quý đầu thai kỳ. Các ngón tay bé xíu của bé đã có vân tay, tĩnh mạch và các cơ quan nội tạng có thể nhìn thấy rõ qua da. Nếu mẹ đang mang bé gái, buồng trứng của bé chứa hơn 2 triệu trứng.
Tam cá nguyệt thứ 2 ( 3 tháng giữa)
Tuần 14
Vào tuần thứ 14, não của bé đã có các xung động thần kinh và bé có thể vận động cơ mặt. Thận cũng đang hoạt động, và mẹ có thể thấy bé mút ngón cái qua siêu âm. Bé hiện đã lớn bằng quả chanh, với chiều dài đầu-mông khoảng 87 mm.
Tuần 15
Vào tuần thứ 15, bé có thể cảm nhận được ánh sáng và tránh luồng sáng nếu mẹ chiếu đèn vào bụng dù bé chưa thể mở mắt. Khi mẹ siêu âm vào tuần này, sẽ biết được giới tính của bé.
Tuần 16
Vào tuần thứ 16, bé đã hình thành móng tay, móng chân, ngón tay, ngón chân, lông mày và mí mắt. Đầu của bé đã thẳng hơn và tai đã gần đúng vị trí chuẩn,
Tuần 17
Kích thước thai 17 tuần khoảng 13cm, nặng khoảng 140g. Bé có thể vận động các khớp và dây rốn ngày càng khỏe hơn. Đây cũng là tuần đầu tiên mẹ có thể bắt đầu cảm nhận được những cú đạp của bé hàng ngày.
Tuần 18
Khi thai 18 tuần, tay và chân của bé đã phát triển hơn, và bé trở nên hiếu động hơn. Mẹ có thể cảm nhận được các cú đạp của bé, hay còn gọi là thai máy. Bé hiện nặng khoảng 180 gram.
Tuần 19
Vào tuần thứ 19, các giác quan của bé bao gồm khứu giác, thị giác, xúc giác, vị giác và thính giác sẽ phát triển. Bé có thể nghe được giọng nói của mẹ, vì vậy mẹ có thể nói chuyện, hát hoặc đọc sách cho bé nghe.
Tuần 20
Thời điểm thai 20 tuần tuổi, bé có khả năng nuốt nước ối và hệ tiêu hóa của bé đang tạo ra phân su, có màu tối và dính. Mắt bé tuy nhắm nhưng có thể cử động ở đổng tử.
Tuần 21
Vào tuần thứ 20, bé nặng khoảng 360g. Bé bắt đầu đá hoặc đạp vào thành tử cung của mẹ. Xương hàm, tóc và lông mi cũng đã bắt đầu hình thành.
Tuần 22
Thai 22 tuần sẽ có hình dáng như một em bé sơ sinh. với các đặc điểm như môi và lông mày ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, sắc tố màu mắt vẫn chưa xuất hiện. Bé hiện nặng khoảng 430 gram.
Tuần 23
Vào tuần thứ 23, thính giác của bé ngày càng nhạy hơn. Bé có thể nhận ra một số tiếng động mà hiện đang nghe thấy trong tử cung. Bé hiện có kích thước bằng một quả xoài lớn và nặng khoảng 500 gram.
Tuần 24
Vào tuần thứ 24, nặng khoảng 600g. Da của bé vẫn mỏng và mờ. Bé đã biết chớp mắt, hệ thần kinh phát triển hơn trước.
Tuần 25
Vào tuần thứ 25, cân nặng của bé tăng nhanh chóng được 650g. Da nhăn nheo của bé trở nên đầy đặn hơn, tóc bắt đầu mọc.
Tuần 26
Vào tuần thứ 26, bé hiện nặng khoảng 760g. Bé bắt đầu hoàn thiện cơ quan hô hấp.
Tuần 27
Thai 27 tuần đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, bé đã bắt đầu có lịch trình ngủ và thức dậy đều đặn. Các chức năng hệ tiêu hóa, thận, phổi cũng dần ổn định hơn. Bé hiện nặng khoảng 875 gram.
Tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối)
Tuần 28
Vào tuần thứ 28, cú đạp của bé ngày càng mạnh hơn. Não bộ gần như phát triển hoàn chỉnh. Bé hiện nặng khoảng 1kg.
Tuần 29
Vào tuần thứ 29, thị lực của bé đang phát triển, cho phép bé cảm nhận được ánh sáng từ bên ngoài qua màng lọc. Bé có thể chớp mắt, và lông mi đã mọc lên.
Tuần 30
Vào tuần thứ 30, em bé sẽ tăng khoảng 200g mỗi tuần. Kích thước vòng đầu tăng dần để tạo không gian cho não phát triển.
Tuần 31
Vào tuần thứ 31, chiều dài của bé khoảng 41.4 cm. Bé đã có khả năng nhìn và phân biệt sáng tối khá tốt.
Tuần 32
Vào tuần thứ 32, bé bắt đầu di chuyển dần ngôi thai. Da của bé trở nên căng bóng hơn, và bé hiện nặng khoảng 2kg và dài khoảng 42 cm.
Tuần 33
Vào tuần thứ 33, lúc này bé dài khoảng 43.7cm và nặng tầm 2.3kg. Bé thường đã di chuyển hoàn toàn sang ngôi chỏm, và thân nhiệt của bé cũng dần ổn định hơn.
Tuần 34
Vào tuần thứ 34, bé tăng khoảng 200 – 250g mỗi tuần. Phổi và hệ thống thần kinh tiếp tục hoàn thiện. Bé bắt đầu thải phân su, hệ thống xương trở nên chắc chắn hơn, nhưng hộp sọ vẫn mềm để hỗ trợ quá trình sinh nở dễ dàng hơn.
Tuần 35
Vào tuần thứ 35, các chức năng trong cơ thể bé gần như đã hoàn thiện, bao gồm các phản xạ mút và bú. Dù bé chào đời lúc này, bé vẫn có thể sống bình thường.
Tuần 36
Vào tuần thứ 36, bé tăng thêm khoảng 30 gram mỗi ngày. Các cơ quan của bé đã hoàn thiện cả về chức năng lẫn cấu tạo.
Tuần 37
Vào tuần thứ 37, bé đã hoàn toàn phát triển và có thể sống độc lập. Trọng lượng cơ thể bé sẽ tiếp tục tăng nhanh chóng trong thời gian tới.
Tuần 38
Vào tuần thứ 38, lớp mỡ dưới da của bé dày hơn, giúp bé duy trì thân nhiệt ổn định sau khi chào đời.
Tuần 39 -40
Thai 39 tuần đến 40 tuần, em bé được coi là đủ tháng. Bé đã phát triển hoàn toàn về thể chất, tiếp tục tích mỡ và tăng kích thước. Sẵn sàng để chào đời và gặp mẹ.